Xà phòng/ Xà bông Sigscent- Long Thần Khí Giả- Tiên nữ cưỡi rồng- Biểu tượng của tiếp biến văn hóa
Tiên nữ cưỡi rồng là một hình ảnh đặc sắc, xuất hiện trong hầu hết các không gian tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam như đình đền, chùa miếu, nghè quán, lăng tẩm. Phổ biến là thế trong văn hóa Việt nhưng khi đối chiếu trong mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa với thế giới và các nước lân cận thì tiên nữ cưỡi rồng lại xuất hiện như một nét kiến trúc độc đáo, là hiện tượng hiếm có trong các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Nho giáo.
Để có thể hiểu hết ý nghĩa táo bạo của hình tượng này, hãy cùng nhìn lại mối quan hệ mật thiết giữa rồng và đế vương. Theo quan niệm truyền thống của Nho giáo, rồng biểu trưng cho quyền lực tối cao của Vua, người được mệnh danh là đấng Thiên tử, còn nữ nhân không được xem trọng, bị chi phối bởi nhiều quy tắc khắt khe. Với hình tượng tiên cưỡi rồng, quan niệm này dường như đã bị đập tan.
Theo các nhà nghiên cứu, hình tượng tiên nữ cưỡi rồng xuất hiện phổ biến trong mỹ thuật Đại Việt ở các thế kỷ 16-18. Trong giai đoạn này, Nho giáo suy yếu cũng là thời cơ để các lề thói thôn quê trỗi dậy.
Đình làng là nơi tinh thần “phép vua thua lệ làng” thể hiện rõ nhất. Tại đây, hình ảnh người phụ nữ bị trói buộc trong lễ giáo phong kiến được giải phóng, thay vào đó là hình ảnh cô tiên, mang âm hưởng của chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng phồn thực cổ xưa. Một minh chứng rõ rệt cho sự khuất phục của tín ngưỡng Nho giáo trước truyền thống bản địa vốn đã ngấm vào máu người Việt suốt hàng nghìn năm.
Mô típ tiên cưỡi rồng cũng thể hiện sự khác biệt của văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Với người phương Bắc, rồng mang quyền uy đáng sợ và không thể xâm phạm. Trái lại, trong mỹ thuật người Việt, đặc biệt là mỹ thuật ở làng, con rồng của muôn nhà. Nó là con vật quyền uy nhất, linh thiêng nhất nhưng cũng rất nhân từ. Tiên là mẹ, rồng là cha.
Có thể thấy, hình tượng tiên nữ cưỡi rồng chứng tỏ khả năng tiếp biến văn hóa trong quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa với bên ngoài đã tạo nên những sáng tạo đặc sắc và nhân văn. Những sáng tạo đó chứa đựng tâm hồn và khát vọng của người Việt trong cuộc đối thoại với các nền văn minh khác. Nếu rồng biểu trưng cho nam/phụ quyền, hoàng đế, Lạc Long Quân, thì tiên đại diện cho nữ/mẫu quyền, người mẹ thái cổ, Âu Cơ. Tiên nữ cưỡi rồng, vì thế, là một biểu tượng đầy lý thú và rất Việt Nam.
Hãy cùng chúng tôi khám phá những chất liệu văn hóa độc đáo trong các bài viết tiếp theo của series “Cảm hứng sáng tạo”!
#KHIvietlinhthanthoaiki #dragonS #Sigscent