Mỹ thuật Lý- Trần, nơi tư tưởng tôn giáo đi sâu vào nghệ thuật
MỸ THUẬT LÝ - TRẦN, NƠI TƯ TƯỞNG TÔN GIÁO ĐI SÂU VÀO NGHỆ THUẬT
Với một xã hội mang đậm chất quân chủ Phật giáo, mỹ thuật Lý - Trần cũng đậm tính mỹ thuật Phật giáo.
MỸ THUẬT THỜI LÝ
Nền mỹ thuật được đánh giá là "nền mỹ thuật Phật giáo ở thời kỳ thanh xuân, độc lập, tự chủ và cường thịnh" (theo bà Nguyễn Hải Yến, nhà Nghiên cứu mỹ thuật). Điều này được định hình trong các công trình kiến trúc, điêu khắc và đồ gốm đã còn sót lại và đã được khai quật.
Thời Lý, Hoàng Thành Thăng Long tiêu biểu cho mỹ thuật cung đình. Mỹ thuật Phật Giáo nổi trội hơn. Sử cũ mô tả những ngôi chùa hết sức bề thế, uy nghiêm với diện tích lớn, vị trí đắc địa, kết cấu chắc chắn, cân đối, tháp cao hàng chục mét. Trang hoàng cho các công trình đó là những tác phẩm hội họa, điêu khắc công phu. Tiêu biểu như chùa Diên Hựu, chùa Phật Tích, Tường Long, Chương Sơn...
Kiểu thức hoa văn hoa sen, hoa cúc nhiều cánh, mây cùng hình tượng Rồng Lý nằm gọn trong nửa lá bồ đề xuất hiện rất nhiều, được chạm khắc tinh tế, mềm mại tại các chùa Phật và công trình kiến trúc thời Lý… Tất cả đều là những dấu ấn sâu đậm của Phật giáo trên các hiện vật kiến trúc tại kinh thành Thăng Long. Đây không chỉ là những kiểu thức trang trí thông thường mà còn ẩn chứa tư tưởng tôn giáo xuyên suốt của thời Lý - Phật Giáo.
MỸ THUẬT THỜI TRẦN
Bối cảnh lịch sử biến động với 3 lần chống Mông Nguyên, cùng quan niệm Phật giáo của các vị vua nhà Trần cũng khiến nền mỹ thuật lúc bấy giờ phát triển theo một hướng khác.
Mỹ thuật thời nhà Trần là sự nối tiếp và phát triển mỹ thuật thời nhà Lý với mô típ trang trí chính vẫn là hình rồng, hoa sen, hoa cúc, mây. Điểm khác biệt là các hoa văn trang trí đơn giản hơn, không tỉ mỉ, tinh xảo bằng thời nhà Lý. Rõ nét nhất là ở hình tượng Rồng, biểu tượng vương quyền đã có sự thay đổi. Rồng Trần cấu trúc thân mập mạp khỏe khoắn hơn; phần vòi ngắn lại và mập hơn, vảy xuất hiện nhiều hơn kể cả ở một số phiên bản rồng nhỏ; móng vuốt ngắn và to hơn; xuất hiện nhiều tư thế mới.
Nếu Mỹ Thuật thời Lý đi theo hướng cách điệu cao, đường nét trau chuốt, tỉ mỉ thì mỹ thuật thời Trần lại đi theo hướng hiện thực, cách tạo hình đơn giản, khái quát và khỏe khoắn hơn. Tính dân gian đã bắt đầu manh nha. Hình các con vật kiếm ăn dưới nước (cò, vạc), trên trời (chim), trên rừng (hổ ngựa) và hình ảnh con người (đấu vật) đã được điêu khắc trên đồ gốm.
Thời Trần, chùa, tháp vẫn là các công trình kiến trúc chiếm ưu thế với các công trình còn sót lại. như Chùa Phổ Minh (Nam Định), Chùa Bối Khê (Hà Tây), Chùa Thái Lạc (Hưng Yên), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc).
Kết thúc 200 năm trị vì, nhà Lý đã mở đầu và đặt nền móng cho khuynh hướng kết hợp tư tưởng tôn giáo vào nghệ thuật.
Gần 400 năm tồn tại nơi kinh thành Thăng Long, 2 triều đại Lý-Trần đã để lại nền tảng quý giá cho nền mỹ thuật nước nhà. Cũng chính là lời tâm tình đầy tính triết lý phật giáo từ ông cha giao thoa với tiếng nói của tâm hồn dân tộc.
#KHIvietlinhthanthoaiki #dragonS #Sigscent